Quang Binh Travel

Quảng Bình Travel tổ chức các tour du lịch Quảng Bình khám phá Phong Nha Kẻ Bàng, du lịch Đồng Hới. #quangbinhtravel

Chùa Hoằng phúc ngôi chùa cổ 700 năm

Chùa Hoằng Phúc nằm ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Theo sử sách thì Chùa Hoằng Phúc là ngôi chùa được nhiều vị vua, chúa ghé thăm nhất ở miền Trung. Trải qua biến thiên của lịch sử, chùa được ghi nhận là nơi “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh). Chùa Hoằng Phúc được xây dựng cách đây hơn 700 năm, khởi nguồn có tên là Am Tri Kiến.

 


 

 

Có thể nói, Chùa Hoằng Phúc là di sản của một trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt được cộng đồng dân cư mang theo trong quá trình di dân mở cõi phương Nam thời Lý – Trần, góp phần giữ gìn bản sắc Đại Việt khi đến vùng đất mới, để an cư lạc nghiệp.

Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phúc đức cho dân, lúc đó Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.

 

 

 

Chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo theo hướng chính và giữ nguyên trạng chùa cũ, theo lối chùa cổ thời nhà Trần, gồm: tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa. Chùa vẫn giữ được nét trầm mặc, cổ kính với những bức tường rêu phong tạo cảm giác an lạc mỗi khi ghé thăm.

Đặc biệt, ngày 09 tháng 12 năm 2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4248/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Chùa Hoằng Phúc là Di tích quốc gia.

Và ngày 15 tháng 06 năm 2016, Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 080/QĐ-BTS v/v Công nhận Ban Trụ Trì Chùa Hoằng Phúc do Thượng Tọa Thích Đức Thiện – Tổng Thư Ký GHPGVN làm trụ trì ngôi cổ tự Chùa Hoằng Phúc.

 


 

 

Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình thu hút nhiều Phật tử tới dâng hương lễ tạ vì nổi tiếng linh thiêng, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Đồng thời nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các phật tử xa gần nói riêng.

Đến đây, chúng ta không chỉ đến với tâm thanh tịnh của mình, mà cũng là dịp để thấy được lối kiến trúc của một công trình di tích lịch sử tiêu biểu mang yếu tố tâm linh trên vùng đất “ Hai giỏi” này.